Chiều 20-10, tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã diễn ra Hội nghị trao đổi, hợp tác giữa các địa phương Vùng Đông Nam Bộ (ĐNB) quý III năm 2023. Dự hội nghị có lãnh đạo 6 tỉnh, thành: Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh, Bình Phước, Đồng Nai và Tây Ninh. Về phía tỉnh Bình Dương có ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện một số lãnh đạo sở, ngành của tỉnh.
Đẩy mạnh hợp tác, liên kết vùng
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, địa phương đăng cai tổ chức hội nghị cho biết, Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị yêu cầu phải đẩy mạnh hợp tác, liên kết nội vùng, liên vùng, tạo không gian kinh tế thống nhất, khắc phục các điểm nghẽn, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao khả năng cạnh tranh vùng.
Toàn cảnh hội nghị
Trong quá trình xây dựng và phát triển, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu luôn coi trọng mối quan hệ hợp tác, liên kết phát triển với các địa phương trong vùng. Trong những năm qua, giữa các địa phương trong Vùng ĐNB có sự gắn kết chặt chẽ về không gian địa lý, truyền thống lịch sử, văn hoá trong suốt quá trình hình thành và phát triển. Mối quan hệ này ngày càng mở rộng về các mặt kinh tế - xã hội. Sự phát triển của từng địa phương làm nên sự phát triển của toàn vùng và sự phát triển của vùng là động lực phát triển của mỗi địa phương. Vấn đề liên kết phát triển giữa các địa phương trong vùng ngày càng trở nên quan trọng…
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: “Chúng tôi xác định rằng, thị trường gần 20 triệu dân và sự phát triển kinh tế của các địa phương trong vùng chính là tiềm năng, là cơ hội để Bà Rịa – Vũng Tàu phát huy vai trò cảng biển đặc biệt quốc gia, cảng cửa ngõ quốc tế, vai trò trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển cho toàn vùng và hướng tới đạt tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Vùng ĐNB là khu vực phát triển kinh tế năng động, trình độ phát triển cao, có lực lượng lao động dồi dào, hệ thống đô thị phát triển. Với TP.Hồ Chí Minh là hạt nhân, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, đổi mới sáng tạo lớn nhất của cả nước, ĐNB có vị thế địa chính trị và an ninh quốc phòng quan trọng hàng đầu ở phía Nam”. |
Theo ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh, thành phố đã phối hợp triển khai Thỏa thuận hợp tác vùng Đông Nam Bộ, tổng cộng có 12 nội dung phối hợp cấp vùng, đã thực hiện được 7/12 nội dung liên quan, 5 nội dung đang tiếp tục được thực hiện. Theo đánh giá, các sở, ngành TP.Hồ Chí Minh được giao nhiệm vụ chủ trì triển khai các nội dung hợp tác song phương đã chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan của các tỉnh Vùng Đông Nam Bộ trên tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội, văn hóa-giáo dục. Riêng kết nối hạ tầng giao thông đối với các dự án giao thông trọng điểm được xác định là những nội dung có kết quả nổi bật như: công tác phối hợp giữa TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh triển khai đường Vành đai 4, Vành
đai 3...
Các địa phương đều kỳ vọng, thời gian tới Quỹ phát triển hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ khi được hình thành sẽ góp phần thúc đẩy toàn vùng phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong phát triển giao thông kết nối toàn vùng…
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị.
Phát triển hành lang sông Sài Gòn
Tại hội nghị, lãnh đạo TP.Hồ Chí Minh cũng đề xuất phát triển hành lang sông Sài Gòn, kết nối đồng bộ, toàn diện hệ thống hạ tầng kỹ thuật bao gồm cầu vượt sông, đường, bến thủy nội địa, cảng hàng hóa... với tỉnh Bình Dương và các tỉnh ở thượng nguồn.
Để đáp ứng nhu cầu phát triển cho toàn vùng, Viện Nghiên cứu phát triển TP.Hồ Chí Minh đã kết nối và tổ chức cuộc họp trực tuyến với các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (NHTG) về nội dung nghiên cứu đề xuất cơ chế xây dựng Quỹ phát triển hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ; phối hợp cùng nhóm chuyên gia NHTG tổ chức hội thảo khoa học “Cơ chế đặc thù phát triển vùng Đông Nam Bộ: Đề xuất cơ chế tài chính và đầu tư phát triển vùng”. Các địa phương phối hợp xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực vùng phục vụ chuyển đổi số; tổ chức hội thảo, tập huấn nâng cao kỹ năng xúc tiến thương mại, đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp đang ở bước chuẩn bị nội dung và sẽ triển khai trong thời gian tới… |
Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố đã tổ chức làm việc, xác định 4 vị trí mới kết nối hạ tầng giao thông giữa TP.Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương (cầu vượt sông Sài Gòn) cần xem xét điều chỉnh quy hoạch.
TP.Hồ Chí Minh với tỉnh Bình Dương đã phối hợp triển khai dự án Vành đai 3, hiện nay đang tổ chức thẩm định thiết kế kỹ thuật các gói thầu đồng bộ trên toàn tuyến; dự án đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành cũng đã được thành phố thống nhất hướng tuyến, dự án sẽ được bố trí vốn đầu tư công từ nguồn vốn ngân sách thành phố. UBND TP.Hồ Chí minh cũng đã thông qua chủ trương đầu tư nâng tĩnh không các cầu Bình Triệu 1, Bình Phước 1.
Đối với phương án đầu tư kéo dài tuyến đường sắt đô thị số 1, tuyến Bến Thành - Suối Tiên kết nối với tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh đề nghị đơn vị tư vấn rà soát, hoàn thiện phương án kéo dài tuyến đường sắt đô thị. TP.Hồ Chí Minh đề nghị tỉnh Bình Dương và Đồng Nai phối hợp đơn vị tư vấn xác định vị trí các nhà ga, depot trên tuyến đảm bảo phù hợp quy hoạch, định hướng phát triển đô thị theo mô hình TOD của các địa phương, thống nhất về các yếu tố kỹ thuật, công nghệ trên toàn tuyến và đảm bảo tính khả thi, hiệu quả đầu tư dự án. Rà soát, nghiên cứu các đồ án quy hoạch liên quan và hiện trạng khai thác dọc tuyến, đề xuất phương án khai thác quỹ đất dọc tuyến hiệu quả và tạo nguồn vốn đầu tư...
Kiến nghị điều chỉnh vị trí ga An Bình
Hiện, UBND tỉnh Bình Dương đã giao cho các sở, ngành, cơ quan liên quan nghiên cứu, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt từ Bàu Bàng đến Dĩ An. Điều chỉnh quy hoạch ga đầu mối An Bình, Bình Triệu.
Đại diện lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh Bình Dương tham dự hội nghị.
Vị trí quy hoạch ga An Bình hiện nay đã làm chia cắt các khu chức năng, mạng lưới hạ tầng giao thông đô thị của TP.Dĩ An. Mật độ xây dựng và mật độ dân cư tại khu vực quy hoạch ga An Bình rất cao nên việc triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sẽ gặp khó khăn khi thực hiện dự án xây dựng ga theo quy hoạch. Trong khi đó, Khu công nghiệp Sóng Thần 1 có vị trí đối xứng bên phải vị trí quy hoạch ga An Bình theo hướng Bắc - Nam của tuyến đường sắt hiện hữu, có thời gian thuê đất đến năm 2045.
TP.Hồ Chí Minh đề xuất hành lang kết nối trên sông Sài Gòn với tỉnh Bình Dương. (Ảnh: sông Sài Gòn đoạn qua phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một)
Để tiếp tục thực hiện quy hoạch của Bộ Giao thông vận tải đảm bảo vai trò là ga đầu mối vận chuyển hàng hóa, trung tâm logistics của vùng và là trung tâm liên vận quốc tế. Đồng thời, vị trí ga nằm giáp ranh với TP.Thủ Đức – TP.Hồ Chí Minh, tiếp giáp với các trục giao thông huyết mạch như cao tốc TP Hồ Chí Minh - Chơn Thành, Quốc lộ 1A, Vành đai 2 thuận lợi cho phát triển ga hành khách trung tâm. Tỉnh Bình Dương đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về chủ trương điều chỉnh vị trí ga An Bình từ bên trái tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện hữu sang bên phải tuyến.